Myanmar, nước nổi lên là địa điểm đầu tư mới được chú ý, có hai thương vụ, trong đó có vụ tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản đầu tư vào hãng hàng không Asian Wings Airways.
Theo thống kê của công ty Recof chuyên môi giới các thương vụ mua-sáp nhập (M&A), trong tám tháng đầu năm 2013, có 63 vụ M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Đông Nam Á, đạt giá trị 740 tỷ yen, tăng 13 lần về giá trị và 400% về số lượng so với cùng kỳ năm 2012, đều lập các mức cao kỷ lục mới.
Các doanh nghiệp Nhật Bản giảm đầu tư vào Trung Quốc, song lại mở rộng sang thị trường Đông Nam Á. Ngoài việc xây dựng Đông Nam Á trở thành trung tâm sản xuất mới, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chú trọng tiếp cận lĩnh vực dịch vụ nhằm hướng tới tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực.
Có thể liệt kê một số thương vụ M&A lớn như: Tập đoàn ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ rót 560 tỷ yen vào ngân hàng Ayutthaya; tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda đầu tư 70 tỷ yen vào Thai Life Insurance (công ty bảo hiểm nhân thọ Thái Lan); NTT mua lại Trung tâm dữ liệu của Thái Lan; và nhà cung cấp thực phẩm Shidax mua lại một công ty đứng thứ ba trong lĩnh vực này của Việt Nam.
Nếu tính theo từng quốc gia, thì Thái Lan là địa điểm thu hút nhiều vụ M&A từ các công ty của Nhật Bản nhất, với 18 vụ, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2012. Myanmar, nước nổi lên là địa điểm đầu tư mới được chú ý, có hai thương vụ, trong đó có vụ tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản đầu tư vào hãng hàng không Asian Wings Airways.
Ngược lại tình trạng nhộn nhịp ở Đông Nam Á, số vụ M&A của Nhật Bản đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trong cùng thời gian giảm tới gần 40%, chỉ còn 19 vụ.
Theo khảo sát điều tra mới đây của công ty tư vấn M&A GCA Savvian, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết muốn thu bớt hoạt động tại Trung Quốc do lo ngại rủi ro trong hoạt động kinh doanh tại nước này, nhất là sau khi tranh chấp chủ quyền biển đảo bùng phát giữa hai bên. Khoảng 20% số doanh nghiệp được hỏi coi Indonesia là địa điểm đầu tư hàng đầu, vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ./.
Nguồn: CafeF