Search

TRÁCH NHIỆM BẮT BUỘC ĐÓNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CỦA CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM

Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) quy định về quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó có quy định:

Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác”.

(Điều 10.2.b Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi khoản 7 Điều 1 bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) )

Theo đó, ngày 1/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành vào ngày 15/9/2021, về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó quy định về việc đóng quỹ phòng, chống thiên tai của các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước ở Việt Nam. Cụ thể như sau:

 1. Về mức đóng bắt buộc

Khoản 1 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
“Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.”

 

2. Về thời gian đóng bắt buộc

Tại Điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
“Thời hạn nộp Quỹ cấp tỉnh: Đối với cá nhân nộp một lần trước 31 tháng 7 hàng năm; đối với tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn nộp tối thiểu 50% số phải nộp trước 31 tháng 7, số còn lại nộp trước 30 tháng 11 hàng năm. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh kéo dài và ảnh
hưởng phạm vi lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, điều chỉnh thời hạn nộp hoặc quyết định miễn, giảm đóng góp Quỹ cấp tỉnh cho phù hợp”

 

3. Về chế tài xử phạt vi phạm

Hành vi vi phạm
Số tiền phạt
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 300,000 VND 600,000-1,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 300,000 tới 500,000 VND 1,000,000-2,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 500,000 tới 3,000,000 VND 2,000,000-6,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 3,000,000 tới 5,000,000 VND 6,000,000-10,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 5,000,000 tới 10,000,000 VND 10,000,000-16,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 10,000,000 tới 20,000,000 VND 16,000,000-24,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 20,000,000 tới 40,000,000 VND 24,000,000-40,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 40,000,000 tới 60,000,000 VND 40,000,000-60,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 60,000,000 tới 80,000,000 VND 60,000,000-80,000,000 VND
Không đóng quỹ phòng, chống thiên tai từ 80,000,000 tới 100,000,000 VND 80,000,000-100,000,000 VND

Ngoài bị áp dụng biện pháp phạt tiền, đối với những hành vi vi phạm trên, tổ chức còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Khoản 3 Điều 17 Nghị định 03/2022/NĐ-CP: “Buộc đóng Quỹ phòng, chống thiên tai”.

 

4. Về thời hiệu xử phạt

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 03/2022/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi là 01 năm.
Thời điểm để tính thời hiệu được quy định như sau: “Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại khoản 4 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm”. Trong đó:
・“Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 36 Nghị định này” là “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc” (Khoản 4.b Điều 5 Nghị định 03/2020/NĐ-CP).
・“Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định này” là “ngày hết thời hạn nộp Quỹ hoặc ngày hết thời hạn được tạm hoãn đóng Quỹ theo quy định tại Nghị định 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai”. (khoản 4.b Điều 5 Nghị định 03/2020/NĐ-CP)

Nói cách khác, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định 03/2022/NĐ-CP là 01 năm tính từ ngày hết thời hạn nộp Quỹ 1hoặc ngày hết thời hạn được tạm hoãn đóng Quỹ theo quy định tại Nghị định 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Hết.




Japan
Vietnam