Search

TỶ GIÁ ỔN ĐỊNH Ở MỨC THẤP


ty gia do

Từ giữa tháng 1-2015 đến nay, tỷ giá đồng/đô la Mỹ khá ổn định, nhưng duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với mức trần được quy định.

 Tại ngân hàng Vietcombank hôm 4-2, giá đồng đô la Mỹ được niêm yết ở mức 21.375 đồng mua được 1 đô la Mỹ, cao hơn ngày 30-1 10 đồng, nhưng thấp hơn ngày 29-1 5 đồng. Tại ngân hàng Techcombank, giá đô la Mỹ được niêm yết hôm 4-2 là 21.370 đồng/1 đô la Mỹ – cao hơn đầu tuần 10 đồng.

 Nhìn chung, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức phá giá tiền đồng 1% từ ngày 7-1, tỷ giá bắt đầu giảm và nằm ở mức 21.360-21.380 đồng/đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với tỷ giá trần được NHNN quy định 21.672 đồng/đô la Mỹ. Hiện nhu cầu mua đô la Mỹ nhìn chung không có gì đột biến.

 Theo một báo cáo công bố đầu tháng 2-2015 của Ngân hàng HSBC về triển vọng thị trường Việt Nam, NHNN đã thông báo trên trang web của NHNN ngày 27-1-2015 là Nhà nước sẽ đưa ổn định tiền tệ lên ưu tiên hàng đầu và NHNN sẽ chỉ giảm cặp tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ tối đa 2% trong năm nay. Tuy nhiên, kể từ tháng 12-2014 đến nay tiền đồng đã tăng giá so với đô la Mỹ mặc dù tỷ giá tham chiếu có thay đổi, trong khi các đồng tiền khác bao gồm đồng euro và nhân dân tệ đều mất giá.

 Vậy liệu hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có mất năng lực cạnh tranh nếu tiền đồng tiếp tục tăng giá? Giả sử Việt Nam vẫn tiếp tục có lợi thế chi phí nhân công giá rẻ, Bộ phận nghiên cứu của HSBC cho rằng cạnh tranh về chi phí sẽ chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nếu như Trung Quốc và các nước ASEAN giảm giá đồng tiền của họ.

 Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối nghịch với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, do đó sự mất giá của đồng euro hay yên Nhật sẽ không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, trên toàn cầu, Trung Quốc hiện vẫn là một nước có thị phần khá lớn về xuất khẩu hàng hóa thâm dụng lao động. Do Việt Nam và Trung Quốc khá tương đồng về hàng hóa xuất khẩu, nên nếu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá mạnh có thể gây thiệt hại đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

 Mặc dù Bộ phận tỷ giá của HSBC không cho rằng sẽ có sự giảm giá mạnh của cặp tỷ giá Nhân dân tệ/đô la Mỹ từ nay đến cuối năm 2015, nhưng việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ vẫn là thách thức lớn nhất đối với tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

 Trước đó, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng cho rằng, về nội tại, Việt Nam không chịu sức ép phải phá giá tiền đồng. Tuy nhiên, nếu các nước trong khu vực phá giá mạnh đồng tiền của họ, việc này có thể sẽ gây áp lực để tiền đồng bị phá giá theo.

(www.thuongmai.vn2015年2月5日)

Japan
Vietnam