Search

Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu


Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2013-2014 của 148 nền kinh tế. Theo đó, Việt Nam đã tăng 5 bậc so với kết quả năm ngoái, đứng ở vị trí 70.

Xếp hạng của Việt Nam tăng lên nhờ môi trường vĩ mô được cải thiện, lạm phát được kiểm soát tốt hơn, hệ thống giao thông và năng lượng được cải thiện đáng kể. Một tiêu chí quan trọng khác đưa Việt Năm tăng bậc là mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa được cải thiện do các rào cản thương mại và thuế thu nhập doanh nghiệp giảm.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về khoa học công nghệ, cải cách kinh tế, phát triển thị trường tài chính, tính hiệu quả của thị trường lao động.

Nhìn chung, sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện. Điều này được thể hiện qua dòng vốn FDI năm nay tiếp tục khả quan. Tính đến tháng 8, vốn đăng ký và tăng thêm của dòng vốn này đã tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi vốn thực hiện tăng nhẹ – 3,8%.

Đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật trong buổi họp báo chương trình “Kết nối giao thương Việt Nam – Nhật Bản” gần đây, cho biết các doanh nghiệp Nhật đã cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam mặc dù thất vọng vì ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn yếu kém. Đây là điểm yếu lớn nhất mà Việt Nam cần cải thiện.

Báo cáo của WEF dựa trên ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân (chiếm tới 70% dữ liệu); phần còn lại là từ số liệu thống kê các quốc gia. Top 5 quốc gia là Thụy sĩ, Singapore, Phần Lan, Đức và Mỹ. Tại châu Á, không tính Nhật, Malaysia là quốc gia đứng đầu với vị trí 24

Japan
Vietnam